Amazon có văn hoá “cuồng người dùng” hay “User obsession” trong mỗi buổi họp sản phẩm của họ, họ có một chiếc ghế trống cho người dùng “tưởng tượng” của họ. Họ sẽ luôn hỏi nếu sản phẩm làm thế này, anh user kia có thích không? Có dùng được không? vv… Thế hãy thử cùng mình khám phá xem làm sao để team của bạn cũng có thể có những buổi họp sản phẩm như vậy nhé!
Trong bài viết mới nhất “Góc nhìn: Thiết kế lấy người dùng làm trung tâm”, anh Alex Hoàng đã chia sẻ về một khía cạnh tuy không phải mới nhưng rất cần thiết cho quá trình phát triển sản phẩm – tư duy lấy người dùng làm trung tâm (User-centric design). Qua bài viết, chúng ta có thể biết rằng việc tìm hiểu về người dùng, đưa họ làm trung tâm cho những quyết định về sản phẩm sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho cả người dùng và doanh nghiệp.
(Để đọc lại bài viết, hãy nhấp vào link này nhé: Góc nhìn: Thiết kế lấy người dùng làm trung tâm)
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở mình bạn hiểu được tư duy này thì chưa đủ. Vì liệu người dùng trong suy nghĩ của những thành viên khác nhau của team có giống nhau? Nếu không thì khả năng cao là chúng ta sẽ đưa ra những quyết định sai hay mất rất nhiều thời gian để tranh cãi. Chúng ta cần một công cụ để các thành viên trong team sản phẩm cùng trao đổi, hình dung và thấu cảm với người dùng. Lời giải ở đây chính là User Persona – một công cụ tối thượng cho việc ghi lại và hiện thực hóa hình ảnh của người dùng. Ở bài viết này, hãy cùng chúng mình bắt đầu với những khái niệm cơ bản nhất của User Persona: nó là gì, tại sao User Persona quan trọng và kết lại bằng một món quà nhỏ từ team Olabs – Template User Persona.
Theo Nielsen Norman Group (NNG), User Persona được định nghĩa là:
User Persona là một bản mô tả hư cấu nhưng chân thực về một nhóm đối tượng người dùng mục tiêu của một sản phẩm.
Nielsen Norman Group (NNG)
Hiểu nôm na thì đây sẽ là một nhân vật đại diện cho người dùng của bạn. Nếu nhân vật này có thể dùng sản phẩm của bạn thì đa phần tập người dùng của bạn cũng sẽ dễ sử dụng hay dễ chấp nhận sản phẩm / tính năng bạn đưa ra.
Ví dụ, nếu sản phẩm của bạn là một sàn thương mại điện tử hướng đến phục vụ cho các bà mẹ nội trợ thì User Persona của bạn sẽ miêu tả về bà mẹ nội trợ tên Nguyễn Thị Lan. Cô Lan sẽ mang tất cả những đặc điểm tiêu biểu của một người nội trợ về độ tuổi, khu vực sinh sống, thói quen đi mua hàng, những nhu cầu và mục tiêu của cô khi mua hàng online…
Chính vì mức độ liên quan chặt chẽ giữa Persona và người dùng, Persona càng chân thật, thật đến mức mọi người có cảm giác “tưởng tượng ra được”, độ hiệu quả của nó lên sản phẩm càng cao.
#1. Công cụ giao tiếp hiệu quả
Đối với team sản phẩm, User Persona sẽ tạo nên một ngôn ngữ chung về nhóm người dùng. Các thành viên, từ đó, sẽ biết rõ ràng người dùng mà họ thiết kế giải pháp là ai, đặc điểm tính cách của họ thế nào và có những nhu cầu, mong muốn sử dụng ra sao thay vì để cho suy nghĩ của từng cá nhân tạo ra nhiều phiên bản khác nhau. Nhờ vào đó, quá trình thiết kế cũng hoạt động trơn tru hơn.
Ngoài ra, khi giao tiếp với các team khác, Persona sẽ giúp bạn dễ dàng giải thích lí do cho những quyết định về tính năng sản phẩm. Là một người cung cấp và thiết kế giải pháp, giải quyết vấn đề mà người dùng gặp phải là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Designer. Và những vấn đề đó được thể hiện thông qua Persona.
#2. Kim chỉ nam cho hoạt động của sản phẩm
Một khi team của bạn đã trở nên User-centric (đưa người dùng thành trung tâm) thì những chiến lược, quyết định từ khâu thiết kế, xây dựng sản phẩm cho đến vận hành chúng chắc chắn sẽ luôn cần đến User Persona. Cụ thể:
💡 Ở khâu lên ý tưởng, team sản phẩm có thể sử dụng Persona để phục vụ cho việc brainstorm, đưa ra quyết định về giải pháp dựa trên những vấn đề mà người dùng gặp phải.
🙋♀️ Trong giai đoạn test sản phẩm, Persona sẽ trở thành những tiêu chí để lựa chọn đối tượng tham gia phù hợp .
🎯 Thậm chí, ngay cả trong giai đoạn truyền thông sản phẩm, hiểu được đối tượng người dùng là ai sẽ giúp cho team Marketing hay Sales xác định được cách thức tiếp cận với thông điệp phù hợp.
🚀 Trong dài hạn, Persona sẽ luôn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình đánh giá và cải tiến sản phẩm.
Hiện nay, bạn hoàn toàn có thể tìm được rất nhiều mẫu template User Persona khác nhau chỉ với một thao tác Google Search. Tuy nhiên, như một món quà để cảm ơn bạn đã đồng hành cùng Olabs, chúng mình muốn chia sẻ đến bạn Template được trực tiếp sử dụng bởi team Onteractive.
Bạn có thể download bản online của Template tại đây nhé: [Olabs] User Persona Template
Cảm ơn bạn đã đọc đến đây🤩
Chúng mình hi vọng sau bài viết này, bạn và team phát triển sản phẩm sẽ có thêm một công cụ để cụ thể hóa tất cả những nỗ lực đưa người dùng thành trung tâm với sản phẩm của bạn. Và để thực sự hiểu cấu trúc của một Persona và ứng dụng chúng một cách linh hoạt, hãy chờ đón phần 2 của bài viết này nhé – “Cấu trúc của User Persona”.
Cập nhật những thông tin mới nhất về UX mỗi ngày.
OLabs giúp đối tác và độc giả mở ra cơ hội tạo ra sản phẩm & dịch vụ có trải nghiệm độc đáo và tuyệt vời thông qua chuyên môn nghiên cứu người dùng & tư vấn chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm.
8th Floor, LADECO building, 266 Doi Can, Ba Dinh, Hanoi